Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ: Triệu chứng và những thách thức

Theo thống kê của Bộ Y Tế, Cục quản lý khám chữa bệnh, có khoảng 25% ca đột quỵ ở người trẻ tuổi, tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua (số liệu năm 2019).
Huỳnh Lê Kim Ngân
Tác giả bài viết: Huỳnh Lê Kim Ngân.15/06/2021

Nhiều người cho rằng đột quỵ là căn bệnh chỉ xuất hiện ở người cao tuổi hoặc trung niên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đột quỵ ở người trẻ gia tăng một cách đáng báo động. Càng lo lắng hơn là dấu hiệu bệnh có thể khác so với người lớn tuổi. Vậy cụ thể thì những dấu hiệu ấy là gì và người trẻ sẽ gặp những thách thức nào sau khi mắc căn bệnh nguy hiểm này? Hãy cùng Genetica.asia tìm lời giải qua bài viết dưới đây.

Bài viết được biên tập bởi Huỳnh Lê Kim Ngân, đánh giá và duyệt nội dung bởi Đỗ Mạnh Cường, Thạc Sĩ Công Nghệ Sinh Học Genetica®. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Tình trạng đột quỵ ở người trẻ đang ngày càng tăng

Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, thường xảy ra đột ngột khi lượng máu cung cấp lên não bị ngưng trệ hoặc giảm mạnh, khiến cho vùng não ấy bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Hậu quả, căn bệnh có thể để lại di chứng là tàn phế, rối loạn vận động, thị giác, nếu không cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ: Triệu chứng và những thách thức

Trên thực tế, không có khung thời gian nhất định cho các cơn đột quỵ. Một số có thể kéo dài chỉ vài phút, trong khi có những người kéo dài hàng giờ hoặc thậm chí vài ngày. Nhưng các triệu chứng đột quỵ thì thường kéo dài hơn 24 giờ, có thể hoặc không thể hết ngay cả khi được điều trị. Bạn càng điều trị cơn đột quỵ càng nhanh, cơ hội sống sót của bạn càng cao. Do đó, điều quan trọng là bạn phải nhận biết được các dấu hiệu của đột quỵ.

Thông thường, đột quỵ xuất hiện ở những người trung niên trên 50 – 60 tuổi. Nhưng hiện nay căn bệnh đang ngày càng “trẻ hóa”. Theo thống kê của Bộ Y Tế, Cục quản lý khám chữa bệnh, có khoảng 25% ca đột quỵ ở người trẻ tuổi, tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua (số liệu năm 2019).

Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng ghi nhận trong năm 2020, nhiều trường hợp bị đột quỵ não nằm trong độ tuổi thanh thiếu niên, nhỏ nhất là 12 tuổi.

>> Xem Ngay: Phát hiện gen mới có thể dẫn đến bệnh đột quỵ

2. Triệu chứng đột quỵ có thể khó nhận biết ở người trẻ

Nhìn chung, triệu chứng đột quỵ ở người trẻ và người lớn tuổi đều như nhau: bị liệt một bên mặt; mất thăng bằng; tay chân yếu không thể nhấc lên được; nói không rõ chữ dù là từ đơn giản, không diễn đạt được ý mình muốn nói; một hoặc hai mắt bị mờ hoặc không nhìn thấy gì, rối loạn thị giác; chóng mặt, tê bì nửa người; nhịp tim không đều và thường nhanh (>140/90 mmHg)...

Nhưng có những trường hợp người trẻ tuổi bị đột quỵ vẫn tỉnh táo, không bị liệt hay yếu tay chân, thay vào đó là bị buồn nôn, chóng mặt, đau đầu kéo dài nhiều ngày liền. Ví dụ trường hợp của một bệnh nhân nam 26 tuổi được ghi nhận ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Chỉ vì triệu chứng bệnh bị nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường mà bệnh khởi phát ba ngày sau không dứt, người nhà mới đưa đi nhập viện, để rồi bỏ qua thời gian vàng trong điều trị đột quỵ.

Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ: Triệu chứng và những thách thức

3. Những thách thức đối với việc phục hồi sau cơn đột quỵ ở người trẻ

+ Sự nghiệp:

Nếu người trẻ bị đột quỵ thì căn bệnh có thể ảnh hưởng nặng nề đến sự nghiệp. Những người có thể trở lại làm việc thường đối mặt với những thách thức liên quan đến suy nhược, mệt mỏi, suy giảm ngôn ngữ hoặc các vấn đề về trí nhớ hoặc khả năng tập trung. Họ có thể cần thiết bị để hỗ trợ hoặc thay đổi chức vụ trong công việc.

+ Tài chính:

Khi đột quỵ xảy ra, người trẻ thường không có đủ tiền tiết kiệm để hỗ trợ bản thân và gia đình trong giai đoạn khủng hoảng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân mà còn tác động đến những người quan trọng khác của họ, như gia đình, bạn bè – phải nghỉ làm để chăm sóc họ.

+ Tuổi thọ:

Những người trẻ sống sót sau cơn đột quỵ phải dùng nhiều năm sau để đối phó với những ảnh hưởng của đột quỵ. Vì vậy, họ có thể cần thu xếp tài chính và chuẩn bị nguồn lực để chăm sóc sức khỏe trong một thời gian dài.

+ Gia đình:

Các vai trò và trách nhiệm trong gia đình có thể thay đổi đáng kể nếu chẳng may người đó bị đột quỵ, tùy vào độ tuổi. Nếu bạn vừa mới kết hôn hoặc đã có con cái còn trong độ tuổi phụ thuộc vào bố mẹ thì đột quỵ có thể làm gia tăng sự căng thẳng cho bạn. Ngoài ra, những người thân của bệnh nhân bị đột quỵ cũng phải đối mặt với nhiều trách nhiệm hơn và thay đổi vai trò (ví dụ thay vì con cái chăm sóc bố mẹ thì bây giờ khi con bị đột quỵ, bố mẹ phải chăm sóc).

>> Tìm Hiểu Thêm: Tiền sử gia đình và bệnh tim, đột quỵ

May mắn thay, người trẻ tuổi có xu hướng phục hồi nhanh hơn, tiên lượng tốt hơn và tỷ lệ sống sót lâu dài hơn so với người lớn tuổi. Lý do vì trí não ở người trẻ còn khỏe, tính mềm dẻo cao (khả năng thay đổi và thích ứng của não – về cấu trúc và chức năng) nên khả năng phục hồi sau tổn thương cũng tốt hơn.

Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ: Triệu chứng và những thách thức

4. Nguyên nhân gây ra đột quỵ ở người trẻ tuổi

Nguyên nhân gây ra đột quỵ ở người trẻ và người lớn tuổi thường giống nhau trong lối sinh hoạt như hút thuốc, uống nhiều rượu, béo phì, lượng cholesterol cao, huyết áp cao hoặc tiền sử gia đình có người bị đột quỵ, đau tim hoặc thiếu máu cục bộ thoáng qua (đột quỵ nhẹ). Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra căn bệnh này ở người trẻ tuổi. Một số nguyên nhân khác bắt nguồn từ những bệnh lý như:

+ Dị dạng mạch máu não. Theo bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. Dị dạng mạch máu não là do sự phát triển bất thường của mạch máu não, tạo nên những túi phình với thành mạch máu mỏng, dẫn đến xuất huyết não. Hoặc mạch máu có thể bị bóc tách, làm tắc mạch, gây ra nhồi máu, tăng nguy cơ đột quỵ.

+ Rối loạn đông máu. Một số người bị tình trạng máu dễ đông hơn, dẫn đến thiếu máu cục bộ, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

+ Các bệnh lý về tim. Những người bị bệnh lý về tim có thể gây ra hoặc tạo điều kiện cho cục máu đông trong tim di chuyển đến não.

Những tình trạng bệnh lý này ở người trẻ đều có nguy cơ cao chịu sự chi phối từ kiểu gen, hay nói cách khác là di truyền bẩm sinh. Họ đã có nguy cơ đột quỵ cao hơn người khác do các bất thường (đột biến/đột thể) trong kiểu gen, ảnh hưởng đến sức khỏe.

>> Xem Thêm: Liệu thay đổi lối sống có thể chiến thắng nguy cơ di truyền?

Cách phòng tránh đột quỵ ở người trẻ tốt nhất là thực hành thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực vận động để tránh béo phì, hạn chế hút thuốc, uống bia rượu, ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe, thường xuyên đi khám sức khỏe tổng quát 2 lần một năm. Đặc biệt, người trẻ đừng chủ quan vì “tuổi trẻ không còn gì ngoài sức khỏe” đã phải chào thua trước căn bệnh đột quỵ. Vì vậy, bạn cần ghi nhớ các triệu chứng để đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu bệnh.

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3