Uống rượu bia có làm tăng khả năng đột quỵ?

Những người uống trung bình trên 2 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ tăng hơn 34% so với những người không sử dụng hoặc sử dụng dưới nửa ly rượu mỗi ngày, theo một báo cáo trên tạp chí Stroke.
Đào Thu Trang
Tác giả bài viết: Đào Thu Trang. Bác sĩ tham vấn: ThS.BS Nguyễn Ngô Thanh Phương26/10/2021

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm và theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Bên cạnh những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như tuổi, yếu tố di truyền, lối sống đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát căn bệnh này, đặc biệt là việc kiểm soát lượng rượu bia sử dụng hàng ngày. Cùng Genetica tìm hiểu ảnh hưởng của bia rượu qua bài viết dưới đây nhé!

1, Mối liên quan giữa rượu bia và đột quỵ

Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15% tổng số ca đột quỵ.

Tỷ lệ đột quỵ ở nam giới trẻ tuổi cũng cao gần gấp 4 lần so với nữ giới. Nguyên nhân của sự trẻ hóa độ tuổi xảy ra đột quỵ được đánh giá chủ yếu do lối sống thiếu lành mạnh, đặc biệt phải kể đến việc tiêu thụ rượu bia quá mức.

Những người uống trung bình trên 2 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ tăng hơn 34% so với những người không sử dụng hoặc sử dụng dưới nửa ly rượu mỗi ngày, theo một báo cáo trên tạp chí Stroke.

Cũng theo báo cáo này, những người thường xuyên sử dụng rượu với liều lượng cao sẽ dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra đột quỵ sau tuổi 50. Hơn thế nữa, những người sử dụng nhiều bia rượu ở độ tuổi trung niên có nguy cơ dẫn đến đột quỵ sớm hơn 5 năm trong đời, bất kể yếu tố di truyền như thế nào.

Uống rượu bia có làm tăng khả năng đột quỵ?

2, Mức sử dụng rượu bia hợp lý

“Trong thực tế không thể có một tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu là có hại. Bởi vì việc dung nạp và nguy cơ do sử dụng rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác nhau của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia là khác nhau. Nói cách khác, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn” – theo Bộ Y tế

Bên cạnh đó, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định và theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu bia.

Vì vậy, hãy hạn chế rượu bia đến mức tối đa, vì không có ngưỡng nào là an toàn. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng rượu bia, Bộ Y tế cũng khuyến cáo không nên sử dụng quá 2 đơn vị rượu mỗi ngày đối với nam giới trưởng thành, không quá 1 đơn vị rượu mỗi ngày đối với nữ giới trưởng thành không mang thai, không trong thời gian cho con bú và sử dụng như vậy không quá 5 ngày trong tuần.

Theo đó, mỗi đơn vị rượu có thể quy đổi tương đương:

  • 30ml rượu mạnh (1 chén hạt mít)
  • 100ml rượu vang (khoảng ½ cốc uống nước thông thường)
  • 330ml bia tươi (1 lon bia)

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý lượng rượu bia sử dụng này không nên cộng dồn theo tuần hay theo tháng để sử dụng nhiều bia rượu trong 1 lần và không sử dụng trong những ngày sau đó.

Uống rượu bia có làm tăng khả năng đột quỵ?

3, Xử trí khi say rượu

Với lối sống từ trước tới nay của người Việt, khó tránh khỏi những dịp lễ tết, liên hoan có sử dụng lượng nhiều bia rượu. Vậy trong những trường hợp như vậy, cần phải xử trí như thế nào để hạn chế nguy cơ dẫn đến đột quỵ? Hãy tham khảo một số phương án sau:

  • Đặt người say nằm nghiêng. Đây là tư thế đúng và an toàn nhất, giúp hạn chế nguy cơ nôn mửa và hít sặc các chất nôn vào phổi.
  • Ngồi/nằm nghỉ tại phòng kín gió. Lau người bằng khăn ấm để hạn chế mồ hôi.
  • Theo dõi đề phòng hôn mê, tránh nhầm lẫn với giấc ngủ say. Người nhà có thể để người say rượu bia nằm nghỉ, tuy nhiên cách 2-3 tiếng nên đánh thức họ dậy một lần, đề phòng nguy cơ hôn mê.
  • Nếu người uống rượu vẫn tỉnh, có thể cho ăn cháo loãng hoặc uống sữa, nước đường để đề phòng nguy cơ hạ đường huyết. Không nên cho người bệnh uống nước cam, nước chanh vì dễ kích thích gây nôn, hít sặc vào đường thở.
  • Nếu xuất hiện một trong các triệu chứng như bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật, tê yếu tay chân 1 hoặc cả 2 bên, nói ngọng ngay cả khi đã tỉnh táo thì nên đưa người say rượu tới ngay cơ sở y tế gần nhất, vì đây là các dấu hiệu sớm cho nguy cơ xảy ra đột quỵ.

Như vậy, chúng ta có thể dự phòng nguy cơ xảy ra đột quỵ bằng việc thay đổi lối sống mà không hoàn toàn phụ thuộc vào di truyền, một trong số đó là việc giảm thiểu việc tiêu thụ rượu bia mỗi ngày.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6007300/
  2. https://www.webmd.com/stroke/news/20150129/too-much-alcohol-at-midlife-raises-stroke-risk-study-finds
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3