Dị ứng các loại hạt là gì? Có di truyền hay không? Nguyên nhân và triệu chứng
Các loại hạt thường được ứng dụng trong nhiều món ăn món ăn đa dạng và rất phổ biến hàng ngày. Bên cạnh đó, đây cũng là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và chất đạm thực vật tuyệt vời đối với cơ thể. Tuy nhiên, không ít người phải đối mặt với nguy cơ dị ứng với các loại hạt này trong cuộc sống. Dị ứng hạt là gì? Nguyên nhân và triệu chứng hạt xảy ra như thế nào? Người bị dị ứng hạt cần lưu ý những điều gì? Hãy cùng Genetica tìm hiểu nhé!
1, Vai trò dinh dưỡng của các loại hạt
Các loại hạt có thể kể đến bao gồm hạnh nhân, hạt điều, hạt óc chó, … Các loại hạt nói chung là nguồn cung cấp chất đạm, chất béo tốt cho sức khỏe, chất xơ cũng như nhiều chất dinh dưỡng có lợi khác đối với cơ thể. Mỗi loại hạt có thể có thành phần dinh dưỡng khác nhau.
100g các loại hạt nói chung có thể cung cấp lượng đạm từ 15 – 25g tùy từng loại hạt. Bên cạnh đó, hầu hết các loại hạt đều là nguồn cung cấp vitamin nhóm B, vitamin E và nhiều khoáng chất thiết yếu với cơ thể như magie, sắt, kẽm, …Theo một nghiên cứu năm 2017, một chế độ ăn uống giàu các loại hạt có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Bên cạnh đó, các loại hạt cũng giúp giảm cholesterol và bảo vệ bạn khỏi nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy việc tiêu thụ hạt cũng giúp giảm tỷ lệ đái tháo đường ở nữ và giảm tỷ lệ bệnh mạch vành ở cả hai giới. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều hạt trong chế độ ăn cũng có thể dẫn đến tình trạng đầy bụng, rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.
2, Nguyên nhân và triệu chứng của dị ứng các loại hạt
Dị ứng hạt là một trong những loại dị ứng phổ biến nhất. Không giống như nhiều loại dị ứng có thể hết khi đứa trẻ lớn lên, dị ứng hạt sẽ tồn tại suốt đời. Khi một người bị dị ứng hạt, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng lại quá mức với các protein trong hạt. Khi cơ thể nhận thấy những loại protein này, hệ thống miễn dịch sẽ chống lại chúng và gây ra phản ứng dị ứng.
Giống như đa số các loại dị ứng thức ăn khác, dị ứng hạt có thể gây ra những phản ứng rất mạnh, nhưng không phải ai cũng như vậy. Phản ứng thông thường thường gặp phải khi ăn các loại hạt là ngứa và sưng ở miệng và cổ họng. Nổi mề đay, đau bụng và nôn mửa cũng có thể xảy ra.
Trong một số trường hợp, những phản ứng nặng có thể xảy ra, chẳng hạn như sốc phản vệ. Trẻ em thường bị phản ứng dị ứng mạnh hơn người lớn. Khoảng một nửa số trẻ em bị dị ứng với hạt thậm chí có thể bị dị ứng ngay cả khi ngửi mùi hoặc tiếp xúc, trong khi chỉ khoảng 10% người lớn gặp phải tình trạng này.
3, Dị ứng các loại hạt có di truyền không?
Một nghiên cứu trên hơn 2700 người tại Chicago, Mỹ đã chỉ ra rằng một vùng gen chứa các gen như HLA-DB và HLA-DR nằm trên nhiễm sắc thể số 6 có liên quan đến dị ứng các loại hạt. Khoảng 20% người có đột biến tại vùng gen này trong nghiên cứu được ghi nhận có dị ứng hạt. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khi ba mẹ bị dị ứng thì con cái họ chắc chắn bị dị ứng.
4, Một số lưu ý khi bị dị ứng các loại hạt
Nếu xét nghiệm da hoặc kiểm tra gen cho thấy đứa trẻ có nguy cơ bị dị ứng với các loại hạt, điều cần làm là loại bỏ hoàn toàn các loại hạt ra khỏi chế độ ăn của bé. Hãy đọc kỹ bao bì sản phẩm trước khi mua, vì hạt có thể là thành phần của một nguyên liệu chế biến nào đó.
Bên cạnh đó, các loại hạt cũng thường được dùng để ăn kèm với các loại chè, kem hay bánh kẹo. Trong gia đình, hãy bảo quản các loại hạt tại một khu vực riêng biệt, trong một túi đóng kín. Nhiều đứa trẻ có thể bị dị ứng ngay cả khi không ăn hạt mà chỉ ngửi mùi hay tiếp xúc với chúng.
Trong trường hợp đi ăn tại nhà hàng, hãy đọc kỹ về thành phần của món ăn hoặc hỏi lại nhân viên về thành phần của món ăn. Tại trường học, hãy thông báo với thầy cô giáo về tình trạng dị ứng của con mình để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Dị ứng các loại hạt có thể nặng hoặc nhẹ, tùy thuộc vào mỗi người khác nhau. Với một chút chuẩn bị và phòng ngừa có thể giúp đảm bảo việc dị ứng không gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của gia đình bạn, giúp bạn có cuộc sống vui vẻ và lành mạnh hơn!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/323042
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5748761/
- https://www.healthline.com/health-news/researchers-discover-peanut-allergy-genes
- https://kidshealth.org/en/parents/nut-peanut-allergy.html#catallergies
- https://www.naaf.no/en/fokusomrader/allergi-og-overfolsomhet/mat-og-matoverfolsomhet/useful-facts-on-nutsalmondspeanuts--nottermandlerpeanotter-/