Dị ứng là gì? Có do gen di truyền không?

Dị ứng là phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch với những tác nhân bên ngoài. Khi một người bị dị ứng với một thứ gì đó, hệ thống miễn dịch sẽ lầm tưởng rằng chất này đang gây phản ứng có hại với cơ thể.
Đào Thu Trang
Tác giả bài viết: Đào Thu Trang. Bác sĩ tham vấn: BS.CKII Đặng Thị Kim Huyên23/09/2021

Theo một báo cáo tại “Hội thảo kiểm soát bệnh dị ứng trong bối cảnh ô nhiễm môi trường”, bệnh dị ứng đã trở thành một bệnh mãn tính phổ biến ngày nay và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 150 triệu người trên thế giới. Vậy dị ứng là gì? Những nguyên nhân nào gây ra dị ứng? Dị ứng có phải bệnh di truyền không? Hãy cùng Genetica tìm hiểu nhé!

1, Dị ứng là gì?

Dị ứng được hiểu là phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch với những tác nhân bên ngoài. Khi một người bị dị ứng với một thứ gì đó, hệ thống miễn dịch sẽ lầm tưởng rằng chất này đang gây phản ứng có hại với cơ thể.

Các vấn đề gây ra phản ứng dị ứng – chẳng hạn như một số loại thực phẩm, phấn hoa, thời tiết, côn trùng… – được gọi là tác nhân gây dị ứng.

Dị ứng là gì? Có do gen di truyền không?

Theo CDC Hoa Kỳ (Center for Disease Control), dị ứng là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật ở nước này. Có tới 50 triệu người Mỹ, trong đó có hàng triệu trẻ em mắc tối thiểu một loại dị ứng. Trên thực tế, dị ứng là nguyên nhân của khoảng 2 triệu lượt nghỉ học mỗi năm ở Hoa Kỳ.

👉 Xem Ngay: Bị dị ứng tôm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

2, Những nguyên nhân chính của bệnh dị ứng

Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây dị ứng có thể kể đến là tác nhân lan truyền trong không khí, tác nhân trong thực phẩm và các tác nhân khác.

Lan truyền trong không khí

  • Mạt bụi: đây là loài côn trùng cực nhỏ sống xung quanh chúng ta và ăn các tế bào da chết của cơ thể người. Chúng xuất hiện quanh năm ở hầu hết mọi vùng, và chủ yếu sống ở giường, các loại bọc giường, bọc ghế và thảm trải sàn.
  • Phấn hoa: phấn hoa được xác định là nguyên nhân chính gây ra đa số các trường hợp dị ứng. Dị ứng phấn hoa là theo mùa, dựa vào loại phấn hoa và số lượng phấn hoa trong không khí có thể giúp xác định thời điểm xảy ra cũng như mức độ của các triệu chứng.
  • Nấm mốc: là loại nấm phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, cả trong nhà và ngoài trời. Trong nhà, nấm mốc thường phát triển ở những nơi tối tăm, ẩm ướt như phòng tắm, tầng hầm, …
  • Lông vật nuôi: chủ yếu là lông chó, mèo. Những loài vật này có xu hướng hay tự liếm lông của mình, làm dính nước bọt vào lông. Khi nước bọt khô đi, các hạt protein sẽ bay vào không khí, trở thành tác nhân gây kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể. 

Thực phẩm

  • Đạm sữa bò: khoảng 3% trẻ dưới 3 tuổi bị dị ứng với các protein trong sữa bò. Vì vậy hãy cẩn trọng khi dùng sữa bò, sữa công thức chế biến từ sữa bò hoặc các sản phẩm chế biến khác có nguyên liệu là sữa bò.
  • Trứng: dị ứng trứng là thách thức đối với nhiều bậc phụ huynh, vì đây là một thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của trẻ nhỏ. Những đứa trẻ từng bị dị ứng trứng có xu hướng dị ứng mạnh hơn khi lớn lên.
  • Cá và các động vật có vỏ: đây là tác nhân gây dị ứng phổ biến ở người lớn. Tuy nhiên dị ứng với một trong các động vật này không có nghĩa là sẽ dị ứng với toàn bộ những loài còn lại trong danh sách.
  • Các loại hạt: các loại hạt như đậu phộng, hạnh nhân, óc cho, hạt điều đều có thể gây dị ứng, tuy nhiên đây là loại dị ứng không quá phổ biến.
  • Đậu nành: trẻ sơ sinh thường gặp phải dị ứng đậu nành hơn những lứa tuổi khác. Nếu một đứa trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, chúng cũng có nguy cơ cao dị ứng với protein trong sữa đậu nành.
  • Gluten: được tìm thấy nhiều trong các loại lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen.

Các nguyên nhân gây dị ứng khác

  • Côn trùng: hầu hết mọi người đều bị sưng, tấy đỏ và ngứa ngáy ở vết đốt khi bị côn trùng đốt. Tuy nhiên những người bị dị ứng với côn trùng, vết đốt có thể xảy ra những phản ứng nghiêm trọng hơn.
  • Thuốc: thuốc kháng sinh là loại thuốc phổ biến nhất gây ra dị ứng.
  • Hóa chất: một số loại mỹ phẩm hoặc chất tẩy rửa có thể gây nổi mề đay với những người tiếp xúc trực tiếp với chúng.

Dị ứng là gì? Có do gen di truyền không?

3, Triệu chứng thường gặp của dị ứng

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng dị ứng có thể khác nhau phụ thuộc cơ thể từng người. Có những phản ứng nhẹ như hắt hơi, sổ mũi, nhưng cũng có những phản ứng nặng như khó thở, nôn mửa, thậm chí dẫn đến sốc phản vệ.

Đối với các tác nhân lan truyền trong không khí, các triệu chứng phổ biến thường là ngứa mũi hoặc ngứa họng, hắt hơi, nghẹt mũi, ho khan, đôi khi là chảy nước mắt hoặc đỏ mắt.

Đối với các tác nhân từ thực phẩm hoặc các tác nhân khác như thuốc, hóa chất, triệu chứng có thể gặp là khó thở, ho khan, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đôi khi có thể là hạ huyết áp và choáng váng.

Gọi bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng sau:

  • Phát ban trên da: ngứa, đỏ, sưng, phồng rộp hoặc bong tróc da
  • Thở khò khè
  • Tức ngực hoặc nghẹn cổ họng
  • Khó thở hoặc khó nói
  • Miệng, mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng bắt đầu sưng

Dị ứng là gì? Có do gen di truyền không?

4, Các cách phòng tránh nguy cơ dị ứng

Đối với dị ứng từ các tác nhân lan truyền trong không khí, bạn có thể phòng tránh bằng các cách sau:

  • Ưu tiên sử dụng sàn cứng thay vì thảm trải sàn. 
  • Hạn chế treo những tấm rèm dày trong nhà.
  • Có thể sử dụng máy hút bụi thay vì quét nhà bằng chổi để tránh bụi bay nhiều trong không khí.
  • Giữ cho nhà luôn sạch sẽ, thoáng mát.

Đối với các tác nhân dị ứng từ thực phẩm, hãy đọc kỹ nhãn sản phẩm khi mua để tránh việc các tác nhân dị ứng có trong nguyên liệu của sản phẩm đó.

Hiện tại chưa có cách để chữa hoàn toàn dị ứng, nhưng có thể phòng tránh. Điều quan trọng là hãy tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Bên cạnh đó, việc thông báo cho mọi người xung quanh về tình trạng dị ứng của bản thân hoặc con cái của bạn cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Dị ứng là gì? Có do gen di truyền không?

5, Dị ứng có di truyền không?

Xu hướng phát triển dị ứng thường là do di truyền, tức là dị ứng có thể di truyền qua gene từ bố mẹ sang con cái. Nếu cả bố và mẹ đều bị dị ứng, tỷ lệ con cái của họ có khả năng dị ứng lên tới 75%. 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng nếu bố hoặc mẹ bị dị ứng với một tác nhân nào đó, thì tất cả con cái đều bị dị ứng. Một số trẻ có thể bị dị ứng ngay cả khi trong gia đình không có ai mắc phải.

Theo các nhà khoa học, bên cạnh gene, nhiều yếu tố khác cũng có tác động đến khả năng bị dị ứng như môi trường sống, không khí ô nhiễm, thậm chí cả chế độ ăn và cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng.

👉 Xem Ngay: Dị ứng hải sản là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

6, Có thể phát hiện dị ứng bằng phương pháp nào?

Một số loại dị ứng khá dễ xác định, tuy nhiên một số khác lại ít rõ ràng hơn vì các triệu chứng có thể tương tự một tình trạng bệnh tật khác.

Ví dụ như con bạn có các triệu chứng giống như cảm lạnh kéo dài hơn 1 – 2 tuần, hoặc xuất hiện “cảm lạnh” vào cùng một thời điểm hàng năm, bạn hoàn toàn có thể tới bệnh viện để kiểm tra về tình trạng dị ứng của bé.

Dị ứng là gì? Có do gen di truyền không?

Để xác định một tác nhân nào đó có thực sự là nguyên nhân gây dị ứng không, bạn có thể làm một số xét nghiệm chuyên sâu như:

  • Xét nghiệm lẫy da (Skin-prick test): Tiêm một lượng nhỏ chất gây dị ứng vào dưới da của bạn. Nếu bạn bị dị ứng với tác nhân đó, các phản ứng sưng viêm sẽ xảy ra trong khoảng 15 phút tới 60 phút sau tiêm.
  • Xét nghiệm kháng thể trong máu (Blood antibody tests): Kiểm tra xem trong cơ thể bạn có các kháng thể kháng lại các thành phần của tác nhân nghi ngờ gây dị ứng không.
  • Xét nghiệm gene sàng lọc nguy cơ dị ứng: Các nhà khoa học đã chứng minh có nhiều gene liên quan đến các loại dị ứng phổ biến thường gặp như dị ứng đạm sữa bò, dị ứng các động vật có vỏ, dị ứng phấn hoa… Xét nghiệm gene giúp bạn sàng lọc sớm việc liệu mình có nguy cơ cao, hay ít có nguy cơ dị ứng với một tác nhân nào đó hay không.

👉 Xem Ngay: Dị ứng Vitamin C có liên quan đến di truyền không?

Dị ứng tưởng chừng là một căn bệnh vô hại nhưng lại gây nhiều phiền toái đối với những người gặp phải tình trạng này. Không có cách để chữa khỏi hoàn toàn dị ứng, nhưng có thể kiểm soát tốt triệu chứng của nó.

Cách tốt nhất để đối phó với dị ứng là phát hiện sớm liệu cơ thể bạn có bị dị ứng với tác nhân nào không và tránh xa các tác nhân đó. Kiểm soát tốt dị ứng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người, hãy cẩn trọng nhé!

Tài liệu tham khảo:

  1. https://kidshealth.org/en/parents/allergy.html#catallergies
  2. https://www.webmd.com/allergies/allergies-inherited
  3. https://www.sanofi.com.vn/-/media/Project/One-Sanofi-Web/Websites/Asia-Pacific/Sanofi-VN/Home/thong-tin-bao-chi/thong-cao-bao-chi/TCBC_15Mar19.pdf?la=vi&hash=544FCF2AD4503ED0DABFEFA83E7175AF
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3