11 nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ béo bụng

Mỡ thừa ở bụng – hay còn gọi là mỡ bụng – có liên quan tới nguy cơ tăng khả năng mắc các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch và một số loại ung thư. Hãy tìm hiểu vì sao bạn lại béo bụng cùng Genetica nhé.
Đào Thu Trang
Tác giả bài viết: Đào Thu Trang. Bác sĩ tham vấn: BS Hà Thị Mỹ Hạnh20/04/2022

Mỡ thừa ở bụng – hay còn gọi là mỡ bụng – có liên quan tới nguy cơ tăng khả năng mắc các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch và một số loại ung thư. Loại bỏ mỡ thừa là mục tiêu của nhiều người, đặc biệt là phái nữ. Nắm được những nguyên nhân làm tăng nguy cơ béo bụng chính là chiếc chìa khóa để đạt được mục tiêu này. Hãy cùng giải mã gen Genetica tìm hiểu nhé!

1, Thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường gây béo bụng

Bánh ngọt, bánh nướng, ngũ cốc ăn sáng hay các loại nước uống như nước ngọt, soda hay nước tăng lực có phải các loại thực phẩm thường xuyên góp mặt trong chế độ ăn hàng ngày của bạn không? Nếu câu trả lời là có, có thể bạn đang tiêu thụ lượng đường nhiều hơn mức bạn suy nghĩ cũng như mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. 

Đây đều là những thực phẩm chứa nhiều năng lượng và đường trong khi thiếu hụt các thành phần dinh dưỡng khác (chất đạm, chất béo và các vitamin). Đồng thời, những thực phẩm này có thể dẫn đến việc tăng đường máu đột ngột nhưng giảm nhanh chóng sau đó, khiến bạn nhanh đói và thèm ăn nhiều hơn. Đặc biệt, theo nhiều nghiên cứu, chế độ ăn chứa nhiều đường có liên quan đến việc gia tăng lượng mỡ nội tạng ở bụng, từ đó gây nên béo bụng. 

11 nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ béo bụng

2, Đồ uống chứa cồn làm tích tụ mỡ nội tạng

Các đồ uống chứa cồn, đặc biệt là rượu vừa có lợi và vừa có hại đối với sức khỏe. Khi bạn tiêu thụ lượng vừa phải, rượu vang có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, uống quá nhiều rượu và đồ uống có cồn làm tích tụ mỡ nội tạng nhiều hơn, gây tăng cân và tăng mỡ thừa ở bụng. Điều này được lý giải bởi các nguyên nhân sau:

  • Rượu làm tăng cảm giác thèm ăn khiến bạn ăn nhiều hơn.
  • Rượu làm tăng tổng hợp cortisol – một hoocmon liên quan đến việc thúc đẩy tích tụ chất béo ở bụng.
  • Người uống quá nhiều rượu thường sẽ vận động kém hơn vào ngay lúc đó và sau 1 – 2 ngày.
  • Uống nhiều rượu làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, làm tăng tích trữ chất béo và tăng chỉ số khối cơ thể.

11 nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ béo bụng

3, Chất béo chuyển hóa không có lợi cho sức khỏe

Chất béo chuyển hóa là một trong những loại chất béo không có lợi đối với sức khỏe. Chúng thường được dùng trong trong các sản phẩm đồ nướng và các sản phẩm đóng gói sẵn. Chất béo chuyển hóa nhân tạo được chứng minh là gây viêm, có thể dẫn đến kháng insulin, các vấn đề về tim mạch cũng như một số bệnh ung thư thường gặp.

Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu nhưng các nhà khoa học cho rằng chất béo chuyển hóa cũng có thể góp phần làm gia tăng chất béo nội tạng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cơ thể. Chính vì vậy, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã khuyến cáo nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn việc sử dụng chất béo nhân tạo trong nấu nướng.

Chất béo chuyển hóa có trong một số loại thực phẩm như: các loại bánh (cracker, cookies, bánh ngọt, bánh gato, bánh nướng, các thực phẩm nướng...), đồ ăn nhanh, đồ ăn chiến rán nhiều dầu, đồ ăn chế biến sẵn, bơ thực vật các dạng...

11 nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ béo bụng

4, Lối sống tĩnh tại, ít vận động gia tăng mỡ dưới da ở bụng

Một nghiên cứu kéo dài từ năm 1988 tới năm 2010 tại Hoa Kỳ cho thấy có mối tương quan giữa tình trạng giảm vận động của người dân với sự gia tăng nhanh chóng của cân nặng và vòng eo ở cả hai giới. Việc giảm hoạt động thể chất và lối sống ít vận động có liên quan trực tiếp với sự gia tăng của mỡ nội tạng và mỡ dưới da ở bụng.

Một nghiên cứu khác trên khoảng 100 người cũng chỉ ra rằng những người thường xuyên tập aerobic trong 1 năm sau khi giảm cân có thể ngăn ngừa mỡ nội tạng quay trở lại, trong khi những người không tập thể dục có lượng mỡ bụng tăng từ 25% đến 38%. Bên cạnh đó, những người ngồi trên 8 tiếng mỗi ngày cũng có nguy cơ béo phì tăng tới 62% so với những người ngồi ít hơn 4 tiếng.

11 nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ béo bụng

5, Chế độ ăn ít chất đạm

Tiêu thụ đủ lượng chất đạm khuyến nghị có thể giúp hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Chế độ ăn giàu chất đạm giúp bạn no lâu hơn vì chúng cần nhiều thời gian để tiêu hóa hơn so với các chất dinh dưỡng đa lượng khác. 

Protein cũng hỗ trợ sửa chữa và phát triển cơ bắp, góp phần vào quá trình trao đổi chất và đốt cháy nhiều năng lượng hơn khi nghỉ ngơi. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có lượng tiêu thụ chất đạm ở mức cao cũng là những người ít có nguy cơ dư thừa mỡ bụng nhất.

Một nghiên cứu diễn ra vào năm 2021 ở nam giới lớn tuổi bị hạn chế vận động cho thấy tiêu thụ lượng protein lớn hơn nhu cầu khuyến nghị không quá 0,8g/kg/ngày có liên quan đến việc giảm mỡ nội tạng ở bụng nhiều hơn so với những người chỉ tiêu thụ lượng đủ hoặc dưới nhu cầu khuyến nghị. 

11 nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ béo bụng

6, Thời kỳ mãn kinh làm tăng chất béo ở bụng thay vì hông, đùi

Ở tuổi dậy thì, chất béo thường được tích trữ ở hông và đùi để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Sự tích mỡ này được báo hiệu bởi hormone estrogen. Đến tuổi mãn kinh, lượng estrogen trong cơ thể có xu hướng giảm đột ngột. Việc này gây nhiều ảnh hưởng khác nhau tới phái nữ, một trong số đó là xu hướng tích trữ chất béo ở bụng thay vì ở hông và đùi như lứa tuổi dậy thì.

Tăng mỡ bụng trong thời kỳ mãn kinh là vô cùng phổ biến ở chị em phụ nữ. Nhiều phụ nữ hiện nay chọn biện pháp can thiệp như liệu pháp estrogen để là giảm nguy cơ tích trữ mỡ bụng ở giai đoạn mãn kinh. Tuy nhiên, để sử dụng được liệu pháp này, bạn cần có sự tư vấn cẩn thận của bác sĩ.

11 nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ béo bụng

7, Mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột

Có hàng trăm loại vi khuẩn trú ngụ trong đường ruột của bạn, tạo thành hệ vi khuẩn đường ruột. Đa phần các vi khuẩn này là có lợi, nhưng một số ít khác cũng gây ra những vấn đề đối với sức khỏe của bạn.Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột có thể thúc đẩy tăng cân và tăng mỡ bụng.

Ngoài ra, việc này cũng khiến bạn có nguy cơ mắc một số bệnh lý như đái tháo đường type 2, béo phì. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra việc bổ sung probiotic – một lợi khuẩn đường ruột – có liên quan đến việc giảm mỡ nội tạng nói chung và mỡ bụng nói riêng. Một chế độ ăn giàu chất xơ từ trái cây và rau củ, hạn chế tối đa chất béo chuyển hóa từ các thực phẩm chế biến sẵn chính là chiếc chìa khóa giúp bạn duy trì hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.

8, Căng thẳng về thể chất hoặc tâm lý

Khi bạn bị căng thẳng về thể chất hoặc tâm lý, cơ thể sẽ tiết ra cortisol – “hormone căng thẳng”. Hormone này giúp cơ thể phản ứng lại với các tác nhân gây stress, khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Thật không may, căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến tích tụ mỡ nội tạng và khó giảm cân vì sự sản xuất dư thừa cortisol. Ngược lại, mức độ cortisol trong máu cao có thể khiến một số người lựa chọn các thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường để chống chọi lại căng thẳng, gây nên tăng cân không mong muốn.

9, Chế độ ăn ít chất xơ làm tăng mỡ bụng

Chất xơ là thành phần cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt nếu bạn muốn quản lý cân nặng của mình. Một số loại chất xơ có thể giúp bạn thấy no và kiểm soát cơn đói.

Trong một khảo sát trên hơn 1000 người trưởng thành, cứ mỗi 10g chất xơ hòa tan được tăng lên tương ứng với lượng mỡ bụng giảm đi 3,7%. Một nghiên cứu khác trên gần 3000 người cũng chỉ ra rằng ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ có liên quan đến giảm mỡ bụng, trong khi ngũ cốc tinh chế có thể làm tăng mỡ bụng của bạn.

Rau củ, trái cây và các loại ngũ cốc nguyên hạt là những thực phẩm giàu chất xơ mà bạn nên bổ sung trong bữa ăn hàng ngày của mình.

11 nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ béo bụng

10, Gen di truyền: hormone Leptin liên quan đến cảm giác thèm ăn

Gene đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển xu hướng béo phì cũng như tích mỡ bụng. Nhiều nghiên cứu gần đây đã xác định các gene đơn lẻ có liên quan đến béo phì. Ví dụ như gen có ảnh hưởng đến sự phong thích và hoạt động của leptin – loại hormone chịu trách nhiệm quản lý cảm giác thèm ăn. 

11, Ngủ không đủ giấc

Ngủ đủ giấc đóng vai trò rất quan trọng với sức khỏe của bạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng cân khi mất ngủ, bao gồm việc tăng lượng thức ăn nạp vào để bù đắp năng lượng thiếu hụt do thiếu ngủ, thay đổi hormone đói, viêm nhiễm hay giảm hoạt động thể chất do mệt mỏi.

Mặt khác, có mối liên quan hai chiều giữa thiếu ngủ và tăng cân. Thiếu ngủ có thể góp phần làm bạn tăng cân, tích mỡ bụng nhưng ngược lại, người có chỉ số BMI cao có thể có các vấn đề về rồi loạn giấc ngủ, khiến việc tăng cân trở nên khó kiểm soát hơn.

11 nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ béo bụng

Trên đây là 11 lý do khiến bạn vô tình tích trữ mỡ bụng. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân vì sao bạn lại béo bụng và có những điều chỉnh phù hợp trong lối sống.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.healthline.com/nutrition/12-causes-of-belly-fat-gain
  2. https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/circulationaha.111.067264
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5619737/
  4. https://www.healthline.com/nutrition/12-causes-of-belly-fat-gain
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3