Những loại trái cây người tiểu đường nên ăn và không nên ăn là gì?
Nhiều người lo lắng rằng, người mắc bệnh tiểu đường sẽ phải kiêng khem một số loại trái cây. Tuy nhiên, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết, người bệnh tiểu đường có thể không cần phải từ bỏ một loại trái cây yêu thích nào cả, quan trọng là phải theo dõi lượng đường mà cơ thể tiêu thụ. Vậy người bệnh tiểu đường ăn trái cây sao cho đúng? Hãy tìm hiểu cùng Genetica® nhé.
1, Người bệnh tiểu đường nên ăn những loại hoa quả nào?
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), tốt nhất người bệnh tiểu đường nên lựa chọn các loại trái cây tươi. Điều này là do các loại hoa quả khô, đóng hộp có thể chứa thêm nhiều đường khiến đường huyết của người bệnh tăng đột ngột khi tiêu thụ. Một số trái cây tốt cho người tiểu đường có thể kể đến như:
- Trái cây có múi chẳng hạn như bưởi, cam, quýt, chanh… chứa nhiều vitamin và có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
- Quả mọng như kiwi, dâu tây, việt quất, mâm xôi,... chứa nhiều chất xơ, kali, mangan, magie, folate, vitamin C, các chất chống oxy hóa... đồng thời có khả năng kiểm soát đường máu, giảm mỡ máu và hạ huyết áp.
- Bơ, ô liu là nhóm quả giàu chất béo cung cấp chất béo tốt, chất xơ hòa tan, axit amin, vitamin B và các khoáng chất tốt như magie và kali, chống oxy hóa, các vitamin A, E và sắt, kẽm, canxi.
- Các loại quả ổi, lê, táo, đào có hàm lượng chất xơ cao, giàu vitamin C, A và kali. Bên cạnh đó, dưa hấu chứa nguồn vitamin dồi dào như vitamin A, vitamin C, vitamin B, chất xơ, sắt, canxi, kali, magie,..... rất tốt cho người bệnh tiểu đường.
2, Những loại trái cây người tiểu đường không nên ăn
Người bệnh tiểu đường có thể không cần phải bỏ bất kỳ loại trái cây nào một cách hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường nên hạn chế những loại hoa quả sau đây:
- Sầu riêng, mít chứa nhiều đường
- Dứa chín có lượng đường cao, nhưng lại chứa nhiều lợi ích như giàu vitamin và nguyên tố vi lượng. Đồng thời, có khả năng chống viêm tốt. Vì vậy, có thể ăn với lượng nhỏ.
- Xoài chín
- Chuối chín kỹ - đây là lúc lượng đường trong chuối lên cao nhất, người bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn.
- Vải thiều, nhãn chứa hàm lượng đường khá cao và ít chất xơ. Người bệnh chỉ nên ăn 1 - vài quả, nhưng cần ăn quả tươi và ăn vào bữa ăn phụ hoặc cách xa bữa ăn.
3, Tiểu đường có uống nước ép trái cây được không?
“Tôi có thể uống nước ép trái cây không?” là câu hỏi được rất nhiều bệnh nhân và người nhà quan tâm. Thật không may, đây không phải thức uống lý tưởng cho người bệnh tiểu đường. Tiêu thụ nước ép trái cây, sinh tố có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột ngột. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị chỉ nên uống một lượng nhỏ khoảng 4 ounce hoặc ít hơn một ngày, đối với loại nước ép trái cây 100%, không thêm đường.
Nói tóm lại, ăn trái cây tươi tốt hơn nước ép và sinh tố. Việc nhai hay ăn bằng miệng làm cơ thế hấp thụ dần lượng đường đưa vào, nếu có sự gia tăng hàm lượng đường nó cũng diễn ra chậm hơn. Ngoài ra việc ăn hoa quả còn làm tăng hàm lượng chất xơ cho cơ thể, giúp chống táo bón, giảm mỡ máu....
4, Người bệnh tiểu đường nên ăn trái cây khi nào?
Nếu bệnh nhân tiểu đường ăn trái cây ngay sau bữa ăn trưa hoặc ăn tối có thể làm gia tăng lượng đường trong máu. Do đó, tốt nhất nên ăn trái cây sau các bữa ăn ít nhất 2 giờ để đảm bảo không làm đường huyết của người bệnh bị tăng đột ngột. Thời gian lý tưởng để ăn trái cây là giữa buổi sáng, khoảng 11 giờ sáng hoặc vào buổi tối lúc 5 giờ chiều.
5, Nên ăn trái cây bao nhiêu một ngày?
Chế độ ăn trái cây cho người bệnh tiểu đường cũng tương tự với những người khỏe mạnh, đó là chế độ ăn 5 khẩu phần ăn trái cây và rau quả mỗi ngày. Những người mắc bệnh tiểu đường nên tập trung vào các loại rau không chứa tinh bột trong 50% khẩu phần ăn, thay vì phụ thuộc vào trái cây. Nửa còn lại của bữa ăn nên cung cấp protein và tinh bột giàu chất xơ như đậu hoặc ngũ cốc.
Nhiều chuyên gia cũng khuyên nên cung cấp một lượng nhỏ chất béo lành mạnh trong mỗi bữa ăn để kích thích cảm giác no và tăng cường hấp thụ các chất chống oxy hóa và vitamin. Một khẩu phần ăn trái cây nên được cung cấp như sau: Một loại quả với kích cỡ trung bình hoặc tương đương quả bóng chày; một cốc đối với quả mọng; nửa cốc đối với các sản phẩm trái cây chế biến sẵn như nước ép trái cây; 2 muỗng đối với trái cây khô như nho khô…
Lưu ý: nên ăn mỗi lần chỉ một lượng nhỏ, trải đều trong ngày. Thay vì ăn 2 phần trái cây cho buổi sáng, bạn có thể chia ra ăn một phần vào bữa sáng và phần còn lại vào buổi chiều.
Bệnh tiểu đường khiến bạn phải kiểm soát lượng đường mà cơ thể hấp thụ một cách kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng mà kiêng khem quá nghiêm ngặt dẫn đến tâm lý căng thẳng, ăn không ngon, bứt rứt, thèm ăn hơn. Hãy lắng nghe cơ thể mình, kiểm soát lượng đường một cách hợp lý, nhớ dành thời gian tập thể dục và chăm sóc sức khỏe tinh thần nữa nhé.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/311220#how-much-fruit-should-i-eat
- https://www.healthline.com/health/fruits-for-diabetes#portion-size
- https://www.webmd.com/diabetes/fruit-diabetes