Nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong đứng thứ 3 trong các loại bệnh tật ở Việt Nam, sau bệnh tim mạch và ung thư. Vì vậy, việc chú ý, nhận biết các triệu chứng cảnh báo bệnh tiểu đường là rất cần thiết để gặp bác sĩ chẩn đoán sớm nhất có thể.
Huỳnh Lê Kim Ngân
Tác giả bài viết: Huỳnh Lê Kim Ngân. Bác sĩ tham vấn: BS.CKII Ngô Thế Phi06/07/2021

Bệnh tiểu đường còn được gọi là “sát thủ thầm lặng” vì có đến 65% người bệnh không hề biết mình mắc bệnh (Theo GS. Phạm Song – nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam). Ngoài ra, hơn 85% bệnh nhân khi được phát hiện là đã đến giai đoạn biến chứng. Chỉ có khoảng 8% bệnh nhân được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ.

Đây là căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong đứng thứ 3 trong các loại bệnh tật ở Việt Nam, sau bệnh tim mạch và ung thư. Vì vậy, việc chú ý, nhận biết các triệu chứng cảnh báo bệnh tiểu đường là rất cần thiết để gặp bác sĩ chẩn đoán sớm nhất có thể.

1, Triệu chứng của bệnh tiểu đường?

Hầu hết các triệu chứng ban đầu là do lượng đường trong máu của bạn cao hơn mức bình thường. Những dấu hiệu cảnh báo có thể nhẹ đến mức bạn không nhận ra. Điều này đặc biệt đúng với bệnh tiểu đường loại 2.

Nhiều người không phát hiện mình mắc bệnh cho đến khi họ gặp các biến chứng do bệnh gây ra như bệnh thận, mù lòa, tim mạch, đột quỵ… Đó là lý do người ta gọi tiểu đường là “kẻ giết người thầm lặng”.

Với bệnh tiểu đường loại 1, các triệu chứng thường xảy ra nhanh chóng, trong vài ngày hoặc vài tuần. Chúng cũng nghiêm trọng hơn nhiều.

Nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng bệnh tiểu đường

2, Dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường

Cả hai loại bệnh tiểu đường loại 1 và đái tháo đường loại 2 đều có một số dấu hiệu cảnh báo sớm giống nhau.

  • Đói và mệt mỏi: cơ thể chuyển đổi thức ăn chúng ta nạp vào thành glucose mà các tế bào sử dụng để tạo năng lượng. Nhưng tế bào cần insulin để hấp thụ glucose. Khi bị tiểu đường, cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc các tế bào kháng lại insulin, làm glucose không thể đi vào tế bào để tạo năng lượng. Điều này khiến bạn bị đói và mệt mỏi hơn bình thường.
  • Đi tiểu thường xuyên và hay khát: người bình thường đi tiểu từ bốn đến bảy lần trong 24 giờ, nhưng người mắc bệnh tiểu đường có thể đi nhiều hơn. Vì khi lượng đường huyết trong máu tăng cao, cơ thể sẽ kích thích đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Kết quả, người bệnh đi tiểu thường xuyên, dẫn đến khát nước. Và khi bạn uống nước nhiều, bạn cũng đi tiểu nhiều hơn.
  • Khô miệng và ngứa da: do bạn liên tục đi tiểu và hay khát nước nên có thể bị mất nước và khô miệng. Da khô làm bạn bị ngứa ngáy.
  • Thị lực suy giảm: lượng đường trong máu tăng cao có thể làm thủy tinh thể trong mắt bị sưng, khiến cho tầm nhìn bị mờ.

3, Các triệu chứng của bệnh tiểu đường

  • Bệnh tiểu đường loại 1

Sụt cân ngoài ý muốn: nếu cơ thể không thể lấy năng lượng từ thức ăn thì sẽ bắt đầu đốt cháy cơ bắp và chất béo để lấy năng lượng. Bạn có thể sụt cân mặc dù bạn vẫn ăn như bình thường mà không thực hiện bất kỳ chế độ ăn kiêng nào.

Buồn nôn và ói mửa: khi cơ thể đốt cháy chất béo để lấy năng lượng, nó sẽ tạo ra ketones. Lớp hợp chất hữu cơ này có thể tích tụ trong máu đến mức nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng mà thường được gọi là nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA). Ketones có thể khiến bạn thấy buồn nôn và ói mửa.

  • Bệnh tiểu đường loại 2

Những triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 thường xuất hiện sau khi đường huyết tăng cao trong một thời gian dài:

Nhiễm trùng nấm men: cả nam giới và nữ giới mắc bệnh tiểu đường đều có thể xuất hiện triệu chứng này. Nấm men ăn glucose, vì vậy quá nhiều glucose sẽ làm nấm men phát triển. Nhiễm trùng có thể phát triển ở bất kỳ nếp da ấm và ẩm nào, bao gồm: giữa các ngón tay và ngón chân, dưới ngực, trong hoặc xung quanh cơ quan sinh dục.

Vết cắt hoặc vết loét lâu lành: theo thời gian, lượng đường trong máu tăng cao có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và gây tổn thương đến dây thần kinh, khiến cơ thể khó chữa lành vết thương.

Đau hoặc tê ở bàn chân: đây là một hậu quả khác của chứng tổn thương thần kinh.

Nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng bệnh tiểu đường

  • Bệnh tiểu đường thai kỳ

Đường huyết cao khi mang thai thường không có triệu chứng. Đó là lý do bác sĩ phải xét nghiệm sàng lọc để kiểm tra mức đường huyết ở phụ nữ đang mang thai, thường là từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ.

Một số phụ nữ mang thai có thể nhận thấy những dấu hiệu tinh vi của bệnh tiểu đường thai kỳ. Các triệu chứng này cũng tương tự như bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2. Tuy nhiên, chúng cũng là những triệu chứng phổ biến ở tất cả phụ nữ mang thai, vì vậy chúng ta rất dễ bỏ qua. 

Các dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ bao gồm:

Muốn uống nhiều nước hơn bình thường. Bạn sẽ thấy khát ngay cả khi chưa ăn mặn hoặc chưa làm bất kỳ hoạt động gì khiến bạn muốn uống thêm một cốc nước.

Trở nên mệt mỏi: nếu bạn thường cảm thấy mệt mỏi, ngay cả vào đầu ngày. Điều đó có thể không phải do căng thẳng khi mang thai khiến bạn quá mệt mỏi. Hãy đi thăm khám bác sĩ để kiểm tra xem bạn có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ không.

Bị khô miệng: khô miệng có thể đi đôi với sự gia tăng cảm giác khát nước. Bạn có thể muốn uống nhiều nước hơn để thoát khỏi cảm giác khô rát. Cả hai đều có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ.

4, Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường

  • Bệnh tiểu đường loại 1

Bệnh tiểu đường loại 1 xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin của tuyến tụy. Các nhà khoa học cho rằng loại bệnh này là do gen hoặc virus gây ra.

Hiện người ta đang tiến hành nhiều nghiên cứu để xác định nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường loại 1 và cách có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn tiến của bệnh.

Nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng bệnh tiểu đường

  • Bệnh tiểu đường loại 2

Bệnh tiểu đường loại 2 là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất, do một số yếu tố gây ra, bao gồm lối sống và gen.

Thừa cân, béo phì và lười vận động: bạn có nhiều khả năng mắc bệnh nếu không hoạt động thể chất, thừa cân hoặc béo phì. Cân nặng tăng thêm đôi khi gây ra tình trạng kháng insulin – thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Vị trí của mỡ trong cơ thể cũng tạo ra sự khác biệt. Nếu bạn tích tụ nhiều mỡ ở vùng bụng thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch… Cụ thể, nam giới có vòng bụng trên 101,6cm và nữ giới trên 88,9cm là đang ở mức báo động.

Kháng insulin: bệnh tiểu đường loại 2 thường bắt đầu với tình trạng kháng insulin, khi các tế bào cơ, gan và mỡ không sử dụng hiệu quả insulin. Kết quả, cơ thể bạn cần nhiều insulin hơn để giúp glucose đi vào tế bào.

Lúc đầu, tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn để đáp ứng nhu cầu bổ sung. Theo thời gian, tuyến tụy không thể tạo đủ insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng, gây ra bệnh tiểu đường.

Gen và tiền sử gia đình: giống như bệnh tiểu đường loại 1, một số gen nhất định có thể khiến bạn tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2. Bệnh cũng có xu hướng lây lan trong gia đình.

Nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng bệnh tiểu đường

  • Bệnh tiểu đường thai kỳ

Các nhà khoa học tin rằng bệnh tiểu đường thai kỳ, một loại bệnh tiểu đường phát triển trong khi mang thai, là do sự thay đổi nội tiết tố của thai kỳ cùng với các yếu tố di truyền và lối sống.

Kháng insulin: Nhau thai tiết ra hormone làm gia tăng tình trạng kháng insulin, xảy ra ở mọi phụ nữ trong giai đoạn cuối thai kỳ. Hầu hết phụ nữ mang thai có thể sản xuất đủ insulin để vượt qua tình trạng kháng insulin, nhưng một số lại không thể. Khi tuyến tụy không tạo đủ insulin thiếu hụt sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ.

Ngoài ra, đối với bệnh tiểu đường loại 2, cân nặng có liên quan đến bệnh tiểu đường thai kỳ. Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có thể đã bị kháng insulin khi họ mang thai. Do đó, tăng cân quá nhiều trong thai kỳ cũng có thể là một yếu tố.

Gen và tiền sử gia đình: Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường cũng khiến phụ nữ tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Điều này cho thấy các gen cũng đóng một vai trò nào đó.

Nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng bệnh tiểu đường

  • Một số nguyên nhân khác

Đột biến gen, tổn thương tuyến tụy, bệnh nội tiết tố và một số loại thuốc cũng có thể gây ra bệnh tiểu đường.

Đột biến gen: Bệnh tiểu đường đơn gen (Monogenic diabetes) là do những thay đổi trong gen (đột biến gen) gây ra. Những thay đổi này thường được truyền qua các thế hệ gia đình, nhưng đôi khi đột biến gen tự xuất hiện. Hầu hết các đột biến gen gây ra tiểu đường bằng cách làm cho tuyến tụy ít có khả năng tạo ra insulin. 

Các loại bệnh tiểu đường đơn gen phổ nhất là bệnh tiểu đường ở trẻ sơ sinh và bệnh tiểu đường khởi phát ở tuổi trưởng thành (MODY). Bệnh tiểu đường ở trẻ sơ sinh xảy ra trong 6 tháng đầu đời. Còn với MODY, căn bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc dưới 35 tuổi.

Bệnh nội tiết tố: Một số bệnh nội tiết tố khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone nhất định, đôi khi gây ra kháng insulin, làm mắc bệnh tiểu đường. Ví dụ các bệnh như:

  1. Hội chứng Cushing xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol – thường được gọi là “hormone căng thẳng”.
  2. Bệnh to đầu chi (Acromegaly) xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng (GH).
  3. Bệnh cường giáp (Hyperthyroidism) xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp.

Nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng bệnh tiểu đường

Tổn thương hoặc cắt bỏ tuyến tụy: Viêm tụy, ung thư tuyến tụy hoặc chấn thương đều có thể gây hại cho các tế bào beta, làm giảm khả năng sản xuất insulin, dẫn đến bệnh tiểu đường.

Các loại thuốc: Đôi khi một số loại thuốc có thể gây hại cho tế bào beta hoặc phá vỡ cách hoạt động của insulin. Ví dụ như niacin (một loại vitamin B3), một số loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống động kinh, thuốc tâm thần, pentamidine (loại thuốc dùng để điều trị một loại viêm phổi), glucocorticoid (loại thuốc kháng viêm)… Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này và lo ngại về tác dụng phụ của chúng, hãy nói chuyện với bác sĩ.

Trên đây là các nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường phổ biến. Bạn hãy tập trung vào những nguyên nhân mà mình có thể kiểm soát được để phòng ngừa bệnh tiểu đường, đặc biệt là loại 2, liên quan đến yếu tố lối sống. Chỉ cần đảm bảo lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động thể chất, ăn uống cân bằng, giữ cân nặng bình thường là bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh. 

5, Các biến chứng của bệnh tiểu đường

  • Bệnh tiểu đường loại 1 và 2

Hạ đường huyết: Những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị giảm lượng đường trong máu một cách đột ngột. Nguyên nhân phổ biến: bỏ bữa ăn, dùng quá nhiều insulin hoặc các loại thuốc làm tăng mức insulin trong cơ thể.

Các triệu chứng có thể bao gồm: mờ mắt, tim đập loạn nhịp, đau đầu, chóng mặt. Nếu lượng đường huyết quá thấp, bạn có thể bị ngất xỉu, co giật hoặc hôn mê.

Nhiễm toan ceton: Đây là một biến chứng của bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng đường (hoặc glucose) làm nguồn năng lượng vì cơ thể không có insulin hoặc không sản xuất đủ insulin.

Nếu các tế bào bị đói năng lượng, cơ thể sẽ bắt đầu phân hủy chất béo, sinh ra các sản phẩm phụ là axit độc hại ceton. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đau bụng, mất nước và các vấn đề về hô hấp.

Bệnh tim mạch: Bệnh tiểu đường làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch khác nhau, bao gồm bệnh mạch vành với đau ngực (đau thắt ngực), đau tim, đột quỵ và hẹp động mạch (xơ vữa động mạch).

Nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng bệnh tiểu đường

Tổn thương dây thần kinh: Lượng đường dư thừa trong máu có thể làm tổn thương các thành mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng các dây thần kinh, đặc biệt ở chân. Điều này có thể gây ngứa ran, tê, rát hoặc đau, thường bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc ngón tay, sau đó lan dần lên trên. 

Nếu không được điều trị, bạn có thể mất hết cảm giác ở những chi bị ảnh hưởng. Tổn thương các dây thần kinh liên quan đến tiêu hóa có thể gây ra những vấn đề như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón. Đối với nam giới, nó có thể dẫn đến rối loạn cương dương.

Bệnh thận: Thận chứa hàng triệu cụm mạch máu nhỏ (cầu thận) lọc chất thải từ máu. Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng hệ thống lọc tinh vi này. Nếu tổn thương nặng thì sẽ dẫn đến suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không thể hồi phục, buộc phải lọc máu hoặc ghép thận.

Tổn thương mắt: Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu của võng mạc (bệnh võng mạc đái tháo đường), tăng nguy cơ mù lòa. Bệnh cũng có khả năng làm người bệnh mắc các tình trạng thị lực nghiêm trọng khác như đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp.

Các vấn đề về chân và da: Tiểu đường làm tổn thương dây thần kinh ở bàn chân hoặc lưu lượng máu đến chân kém, tăng nguy cơ mắc các biến chứng ở chân. Nếu không được điều trị, các vết cắt và mụn nước có thể phát triển thành nhiễm trùng nghiêm trọng, thường khó lành. Những bệnh nhiễm trùng này khiến bệnh nhân cuối cùng phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc cả chân.

Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng khiến bạn dễ mắc các vấn đề về da hơn, bao gồm cả nhiễm trùng cho vi khuẩn và nấm.

Bệnh Alzheimer: Bệnh tiểu đường loại 2 có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer. Việc kiểm soát đường huyết càng kém thì nguy cơ càng lớn.

Nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng bệnh tiểu đường

  • Bệnh tiểu đường thai kỳ

Hầu hết phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ đều sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, lượng đường trong máu nếu không được điều trị hoặc không được kiểm soát thì có thể gây ra các vấn đề cho bạn và thai nhi.

Các biến chứng ở em bé có thể xảy ra do bệnh tiểu đường thai kỳ bao gồm:

  • Tăng trưởng vượt mức. Lượng glucose dư thừa có thể đi qua nhau thai, điều này làm kích hoạt tuyến tụy của bé sản xuất thêm insulin. Kết quả, thai nhi phát triển quá lớn (macrosomia), nhiều khả năng phải sinh mổ.
  • Bệnh tiểu đường loại 2 trong tương lai. Em bé của những mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh béo phì và tiểu đường loại 2 cao sau khi trưởng thành.
  • Tử vong. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến cái chết của thai nhi trước hoặc ngay sau khi sinh.

Nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng bệnh tiểu đường

Người mẹ cũng có thể xảy ra biến chứng do bệnh tiểu đường thai kỳ, bao gồm:

  • Tiền sản giật. Tình trạng này có biểu hiện đặc trưng là huyết áp cao, dư thừa protein trong nước tiểu và phù nề ở chân, bàn chân. Tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé.
  • Tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai tiếp theo. Khi bạn đã bị tiểu đường thai kỳ trong một lần mang thai thì sẽ có nhiều khả năng mắc lại bệnh này ở lần mang thai kế tiếp. Bạn cũng có nguy cơ phát triển thành bệnh tiểu đường – điển hình là tiểu đường loại 2 – khi già đi.

Vì các dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường thường không rõ ràng hoặc diễn tiến âm thầm nên cách tốt nhất là bạn hãy tập thói quen khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần. Song song theo đó là thực hiện lối sống lành mạnh, vận động thường xuyên, ăn nhiều rau xanh, hạn chế tinh bột để thoát khỏi “móng vuốt” của căn bệnh nguy hiểm này.

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3